Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng Thanh
niên năm 2004, ngày
14/3/2024, Đoàn phường Phủ Hà cùng với Liên đội Trường THCS Lê Hồng
Phong tổ chức cho các em Đội viên ưu tú tham
gia hành
trình về địa chỉ đỏ "Đề pô xe lửa Tháp Chàm" - nơi thành lập Chi bộ Đảng Tân Việt năm 1929 và Chi bộ Đảng Cộng
sản Việt Nam Tháng 4-1930.
Đề-pô xe lửa Tháp Chàm là cơ sở hạ
tầng của Sở Hỏa xa do người Pháp lập ra bao gồm: Nhà ga, Khu bảo trì, sửa chữa
đầu máy toa xe, Khu ở công chức. Người dân Ninh Thuận quen gọi là Đề-pô xe lửa
Tháp Chàm (thuộc phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang–Tháp Chàm hiện nay).
Đề-pô xe lửa Tháp Chàm phục vụ vận
chuyển hành khách, hàng hóa, kỹ thuật duy tu, sửa chữa... Được biết đường sắt
xuyên Việt hoạt động thông suốt từ năm 1936. Trước đó có các đoạn hoàn thành và
hoạt động như đoạn đường sắt Nha Trang-Tháp Chàm-Sài Gòn hoạt động từ năm 1903,
đoạn đường sắt từ Tháp Chàm đi Đà Lạt dài 84 km, trong đó có 16 km đường sắt
răng cưa, khởi công xây dựng năm 1906 đến năm 1933 bắt đầu hoạt động. Với đặc
điểm này, Đề-pô xe lửa Tháp Chàm là một trong các cơ sở đường sắt nhất nước ta thời
đó như Gia Lâm (Hà Nội), Bến Thủy (Vinh), Touran (Đà Nẵng), Dĩ An (Sài Gòn–Bình
Dương)...
Theo sử liệu, với quy mô khoảng
200 công nhân, Đề-pô xe lửa Tháp Chàm là ga hành khách và ga kỹ thuật thực hiện
tác nghiệp kỹ thuật đầu máy, toa xe và một số chức năng khác. Do vậy, đây là
nơi hội tụ nhiều cá nhân ưu tú từ các tỉnh khác vào làm việc, từ đây họ trở
thành hạt nhân tuyên truyền các tư tưởng chính trị tiến bộ. Cuối năm 1928, họ
thành lập Chi bộ Tân Việt tại làng Bảo An. Tháng 4-1929, đảng Tân Việt chuyển
thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn, cơ sở đảng Tân Việt tại Ninh Thuận cũng
đổi tên và hoạt động theo phương hướng mới. Sau ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản
Việt Nam thành lập, tháng 4-1930, các chi bộ Tân Việt tại Ninh Thuận chuyển
thành các chi bộ Đảng Cộng sản theo chủ trương chung của cả nước, bao gồm Chi
bộ Đề-pô xe lửa Tháp Chàm và Chi bộ Cầu Bảo, Chi bộ Sở Muối Cà Ná. Từ đó, tổ
chức Đảng lãnh đạo Nhân dân đấu tranh, tiêu biểu là tổ chức cuộc biểu tình ngày
Quốc tế Lao động 1-5-1930. Sáng sớm ngày 1-5, công nhân đi làm thấy cờ đỏ búa
liềm xuất hiện trên đỉnh tháp nước ga Tháp Chàm và trên cây me cổ thụ làng Bảo
An; truyền đơn rải nhiều khu vực ga, khu dân cư Bảo An. Cùng lúc đó, 120 công
nhân Đề-pô xe lửa Tháp Chàm tổ chức mít-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động và
yêu cầu giới chủ thực hiện các quy định lao động. Có thể nói, vừa ra đời, chi bộ
Đảng tại Đề-pô xe lửa Tháp Chàm đã tổ chức đấu tranh trực diện với Pháp.
Với những sự kiện, dấu ấn lịch sử
trên, Đề-pô xe lửa Tháp Chàm được công nhận Di tích Lịch sử Cách mạng cấp
tỉnh vào năm 2003.
Đề-pô xe lửa Tháp Chàm không chỉ
là tài sản tinh thần của người Ninh Thuận, mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với
các thế hệ trẻ chúng ta khi nói về tình yêu quê hương đất nước. Chính vì vậy,
khi nhắc đến những di tích lịch sử của Ninh Thuận, người ta cũng không quên
nhắc đến địa điểm này. Hành trình về địa chỉ đỏ là hoạt động mang ý
nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp
nghĩa”. Qua đó, để giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, thể hiện sự
tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp
giải phóng dân tộc.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA HOẠT
ĐỘNG